CHÍNH TRỊ-KINH TẾ
LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG THỊ XÃ KINH MÔN
25/08/2023 04:07:57


 

Nằm ở cửa ngõ Đông Bắc của tỉnh Hải Dương, thị xã Kinh Môn có diện tích tự nhiên lớn thứ ba của tỉnh Hải Dương. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, từ vùng đất bán sơn địa, Kinh Môn đã sải bước vững chắc, nằm trong tốp địa phương có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất của tỉnh, khẳng định vị thế đô thị trung tâm kinh tế - văn hoá-du lịch, dịch vụ; đô thị động lực của tỉnh và khu vực.

I. ĐẶC ĐIỂM VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Kinh Môn nằm trong vùng bán sơn địa, ở phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương:phía Bắc tiếp giáp với thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), phía Đông tiếp giáp huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng), phía Nam tiếp giáp với huyện Kim Thành, phía Tây tiếp giáp một phần huyện Nam Sách và thành phố Chí Linh.

Địa hình của Kinh Môn gồm có đồi núi xen kẽ đồng bằng,bị chia cắt bởi sông và núi, thấp dần từ Tây sang Đông, phía Đông thị xã địa hình thấp trũng, chịu ảnh hưởng của thủy triều. Thị xã Kinh Môn có 3 loại địa hình chủ yếu là: Vùng núi cao, vùng gò đồi và vùng đồng bằng.

Dạng địa hình núi cao: thuộc vùng cánh cung Đông Triều, điểm cao nhất 246m so với mực nước biển. Kinh Môn có khoảng trên 1.800 ha đồi núi đất và 200 ha núi đá xanh, phân bổ theo 2 nhóm chính:

Dãy núi  Đất An Phụ dài gần 17km chạydọc từ Tây Bắc đến Đông Nam, qua 11 xã/phường và là vách ngăn giữa khu Bắc và khu Nam An Phụ, tạo cho Kinh Môn có sự đa dạng, phong phú về tự nhiên, tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội. Sự hiểm trở, kín đáo, nhiều hang động và sông nước, tạo thành địa bàn quan trọng về quân sự, một vị trí chiến lược trong phên dậu phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Dãy núi có 113 ngọn núi nhỏ, trong đó có 10 đỉnh cao trên 100m. Đỉnh cao nhất là núi An Phụ thuộc phường An Sinh, cao 246m so với mặt biển, nơi đây có đền thờ An Sinh vương Trần Liễu và tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Nhìn từ trên cao, dãy An Phụ như 1 con rồng nằm nghỉ giữa đồng bằng phì nhiêu màu mỡ. Đây cũng là lá phổi xanh của thị xã.

Sát bên bờ sông Kinh Thầy có dãy núi đá vôi Dương Nham và Nhẫm Dương nơi có nhiều hang động vừa tạo nên phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vừa tạo ra địa thế hiểm trở về quân sự, trong đó có động Kính Chủ và chùa Nhẫm Dương được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Đặc điểm dãy núi đá vôi....nhìn như 1 Vịnh Hạ Long trên cạn.

Phía Tả ngạn sông Kinh Thầy là các xã/phường khu Nhị Chiểu là nơi quần tụ của các dãy núi đá vôivới trữ lượng khoảng 400 triệu tấn và xen lẫn núi đất, có nhiều đỉnh núi cao, trong đó có 4 đỉnh cao trên 100m đó là các đỉnh: Cúc Tiên, Cánh Diều và 2 đỉnh Cao Sơn. Núi đá vôi tập trung ở 5 phường là: Phú Thứ, Minh Tân, Tân Dân, Phạm Thái, Duy Tân. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Các nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Duyên Linh, Vạn Chánh, Công ty Khai thác chế biến khoáng sản Hải Dương... hằng năm tiêu thụ hàng triệu tấn nguyên vật liệu. Ngoài ra, ở khu vực này còn có các mỏ cao lanh với trữ lượng khoảng 40.000 tấn và bô xít khoảng 200.000 tấn.

Dạng gò đồi lượn sóng: nằm ở rải rác nhiều điểm trong thị xã.

Dạng địa hình đồng bằng: nằm chủ yếu phía Nam thị xã, còn lại nằm xen kẽ với gò đồi ở khu vực phía Bắc. Là địa phương có nhiều con sông lớn, thuộc vùng hạ lưu của lưu vực sông Hồng, bởi vậy đã bồi đắp cho Kinh Môn những dải đồng bằng phì nhiêu màu mỡ, những làng xóm xen kẽ. Nhìn trên bản đồ, Kinh Môn có núi cao, sông lớn, đồng xanh, như 1 bức tranh sơn thuỷ hữu tình.

Diện tích đất tự nhiên của thị xã là 16.533 ha, trong đó, đất nông nghiệp là 8.316,4 ha, đất lâm nghiệp là 1.266,7ha, đất nuôi trồng thủy sản là 731,9 ha và 320 ha núi đá cung cấp nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng, còn lại là các nhóm đất khác.

Kinh Môn có tiểu vùng khí hậu đặc trưng của đồng bằng trung du Bắc bộ là khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa Đông (kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau) thường lạnh, khô (nhiệt độ trung bình là 130C), ít mưa (khoảng 15% lượng mưa cả năm); mùa hè nhiệt độ cao (trung bình 32,40C), nóng, ẩm, mưa nhiều. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.500 - 1.700 mm, nhiệt độ trung bình cả năm là 230C. Kiểu khí hậu này thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi phát triển, nhất là các loại cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao.

Kinh Môn có hệ thống giao thông thủy, bộ khá thuận lợi. Hệ thống đường bộ gồm: Đường 389 nối từ Quốc lộ 5A (tại Lai Khê) qua cầu Mây, cầu Triều nối với Quốc lộ18 tại thị xã Đông Triều; có Quốc lộ 17B nối từ Quốc lộ 5A (đoạn Phú Thái), qua cầu Thái đến các phường Long Xuyên, Hiệp An, An Lưu, Phú Thứ, Minh Tân; qua cầu Đá Vách nối với Quốc lộ 18 tại phường Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh), đây là 2 tuyến đường quan trọng của Quốc gia để kết nối các vùng trọng điểm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đường 389 từ phường An Lưu đến cầu Triều, đường 389B từ Hiệp An, An Phụ, Thượng Quận, Hiệp Hòa, Quang Thành nối Quốc lộ 17B với đường tỉnh 389. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã có hệ thống giao thông nông thôn thuận lợi cho việc giao lưu, vận chuyển hàng hóa từ địa phương tới các tỉnh, huyện lân cận.

Kinh Môn là thị xã được bao bọc bởi các sông: Kinh Thầy, Kinh Môn, Đá Vách, Hàn Mấu... thuộc hạ lưu hệ thống sông Thái Bình thuận lợi cho tàu thuyền các loại có thể đi lại dễ dàng, có nhiều bến đò, bến phà để phục vụ cho việc qua lại. Tuy nhiên, hệ thống sông ngòi cũng gây ra không ít khó khăn cho nhân dân địa phương, nhất là về mùa mưa lũ khi nước dâng cao đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân, tạo ra một địa hình chia cắt hết sức khó khăn, phức tạp.

Dân số của thị xã có sự phát triển liên tục theo thời gian, năm 1900, tổng số dân là 47.110 người; năm 1945 là 59.756 người; năm 1997 là 164.455 người; tháng 6/2019 tăng lên 170.594 người. Người dân trong thị xã đa phần không theo tôn giáo, song có tới 95% người dân có sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa truyền thống và ảnh hưởng của đạo Phật, còn lại gần 5% là theo đạo Thiên chúa giáo.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THỊ XÃ

Thị xã Kinh Môn là vùng đất linh thiêng có bề dày lịch sử lâu đời, gắn với sự hình thành và phát triển của tỉnh Hải Dương từ xa xưa tới nay.

Tên gọi Kinh Môn theo chữ Hán có nghĩa là một cửa, một miền hiểm trở. Nơi đây, từ thời kỳ đồ đá đã có con người sinh sống, cùng với những biến thiên thăng trầm của lịch sử, vùng đất Kinh Môn đã nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính.

Sử sách chép lại: Đất Kinh Môn dưới thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền. Thời Lý - Trần thuộc lộ Hải Đông. Đời vua Lê Thánh Tông, đặt tên phủ Kinh Môn thuộc trấn Hải Dương.“Phủ Kinh Môn rất rộng lớn, gọi là thất quận, tức 7 huyện” bao gồm một phần đất của thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) và huyện Thuỷ Nguyên, An Dương (thành phố Hải Phòng) ngày nay.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, huyện Kinh Môn có 22 xã. Tháng 3/1947, huyện Kinh Môn và ba huyện: Chí Linh, Đông Triều, Nam Sách được tách khỏi tỉnh Hải Dương, sáp nhập vào tỉnh Quảng Hồng. Tháng 12/1948, huyện Kinh Môn được nhập lại tỉnh Hải Dương, đến tháng 12/1949, huyện Kinh Môn được tách về tỉnh Quảng Yên. Đến tháng 02/1955, huyện Kinh Môn được chuyển về, sáp nhập vào tỉnh Hải Dương.

Ngày 24/02/1979, theo Quyết định số 70/CP của Chính phủ, huyện Kinh Môn hợp nhất với huyện Kim Thành, thành huyện Kim Môn, trung tâm hành chính đặt tại thị trấn Phú Thái. Đến ngày 17/02/1997, theo Nghị định số 11/CP của Chính phủ, huyện Kim Môn tách ra thành 2 huyện như cũ (từ ngày 1/4/1997).

Ngày 11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 768/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Kinh Môn và các phường, xã thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Dấu mốc trong hành trình phát triển, Kinh Môn chuyển mình trở thành Thị xã.

Thị xã Kinh Môn hiện có 23 đơn vị hành chính, gồm 14 phường và 9 xã. Dựa vào đặc điểm tự nhiên, các đơn vị hành chính của thị xã được chia thành 4 khu: khu Tam Lưu (gồm các xã/phường: Minh Hòa, Thái Thịnh, Hiến Thành, Hiệp An, Long Xuyên và An Lưu;khu Bắc An Phụ (gồm các xã/phường: Lê Ninh, Bạch Đằng, Thất Hùng, Phạm Thái, An Sinhvà Hiệp Sơn); khu Nam An Phụ (gồm có các xã/phường: Quang Thành, Thăng Long, Lạc Long, Hiệp Hòa, Thượng Quận và An Phụ);khu Nhị Chiểu (gồm các xã/phường: Hoành Sơn, Duy Tân, Tân Dân, Phú Thứ và Minh Tân).

Đảng bộ thị xã Kinh Môn thành lập ngày 23/10/1945,tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Trù - khu dân cư Hán Xuyên - phường Thất Hùng. Đến nay, Đảng bộ đã trải qua 25 kỳ Đại hội. Đảng bộ thị xã hiện có 8.470 đảng viên ở 62 tổ chức cơ sở Đảng; trong đó có 23 Đảng bộ xã, phường; 39 chi bộ, Đảng bộ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiêp trực thuộc.

III. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HIẾN

1.     Vùng đất cổ, có truyền thống lao động sản xuất

Từ thủa sơ khai, đất Kinh Môn là vùng biển lấn, là nơi sinh sống của con người và các loài động vật thời tiền sử. Minh chứng để lại ngày nay, trong các hang đá Chùa Nhẫm Dương là những xương hóa thạch của sinh vật thời tiền sử và công cụ lao động thuộc đồ đá, đồ đồng, đồ gốm, tiền đồng ngày xưa được các nhà khoa học tìm thấy tại vùng đất này. Qua quá trình khai quật khảo cổ, nơi đây còn lưu giữ những hiện vật của thời tiền sử cách đây từ 3 - 5 vạn năm với nhiều xương voi, tê giác, khỉ, lợn rừng, xương vượn người hóa thạch… các di tích này những di chỉ khảo cổ học quan trọngcó giá trị rất lớn về lịch sử và khảo cổ học, phản ánh đời sống và văn hóa của người Việt Cổ cách đây hàng vạn năm.

Người dân Kinh Môn có truyền thống yêu quê hương, đất nước, gắn liền với quá trình xây dựng và giữ gìn. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã dùng hàng vạn ngày công để đắp đê ngăn lũ, đào mương chống hạn, cải tạo những nơi sình lầy, lau sậy thành những cánh đồng màu mỡ cấy trồng quanh năm, nhờ vậy từ chỗ độc canh cây lúa, đã gieo trồng được nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Ngoài nghề trồng cấy lúa nước, trồng cây ăn quả, cây rau mầu,ở một số nơi, người dân còn phát triển các nghề phụ như: trồng cói, trồng đay, dệt chiếu, chăn nuôi dê, nuôi bò, làm các nghề đục đá, nung vôi…

Từ những điểm, trung tâm trao đổi, buôn bán trước đây, Kinh Môn sớm hình thành nên những trung tâm, khu vực buôn bán, giao lưu hàng hóa lớn như các phường An Lưu, Minh Tân, Phú Thứ, các cụm công nghiệp và hệ thống các chợ trong thị xã cung cấp các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống thường ngày.

Ngày nay, khi công cuộc CNH - HĐH ngày càng phát triển, đã tạo điều kiện thuận lợi cho thị xã phát triển mọi mặt, trong đó kinh tế là lĩnh vực có bước phát triển nhanh, mạnh, không dừng lại ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà phát triển cả lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Trên địa bàn thị xã hình thành các cụm công nghiệp với nhiều nhà máy, xí nghiệp thu hút lượng lớn người lao động địa phương vào làm việc, giải quyết được lượng lao động dư thừa, tạo việc làm mới tăng thu nhập, nâng cao đời sống và là một trong những đơn vị cấp huyện đứng đầu về sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp của tỉnh Hải Dương.

2. Truyền thống văn hiến

Cùng với truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, Kinh Môn còn là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa. Đây làvùng đất “Địa linh nhân kiệt”, có truyền thống hiếu học, với nhiều người đỗ đạt cao trong các khoa thi dưới chế độ phong kiến, gắn liền với tên tuổi của nhiều bậc danh nhân lỗi lạc tiêu biểu như: An Sinh Vương Trần Liễu, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Khắc Chung, Phạm Sư Mạnh, hai anh em Phạm Tông Mại, Phạm Tông Ngộ, Nguyễn Thái, Lương Phú Thìn, Nguyễn Duy Minh, Nguyễn Hữu Cơ, Nguyễn Tố Khuê, Nguyễn Công Hằng, Nguyễn Kính Tuân và Nguyễn Đại Năng, Nguyễn Đình Húc...cùng với bao tên tuổi khác và các anh hùng, tướng tá thời nay tạo thành niềm tự hào sâu sắc cho người Kinh Môn.

Là vùng đất cổ, liên quan đến rất nhiều sự kiện lịch sở lớn của đất nước, có nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Đến nay, thị xã có hàng trămdi tích  lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 01 quần thể di tích quốc gia đặc biệt:An Phụ - Kính chủ - Nhẫm Dương, 32 di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh.

Đáng chú ý, ở quần thể di tích quốc gia đặc biệt là Đền Cao An Phụ - ngôi đền cổ kính và nổi tiếng linh thiêng, nơi An Sinh Vương Trần Liễu đã lập trang ấp sinh sống và thác tại đây, là phụ thân Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn 03 lần chiến thắng quân Nguyên Mông.

Tiếp đến là chùa Nhẫm Dương, nơi Thánh Tổ Thủy Nguyệt khai sáng, tu hành và đắc đạo, cùng tổ đệ nhị Chân Dung hòa thượng làm nên trung tâm thiền phái Tào Động đầu tiên của nước ta. Các hang đá quanh chùa còn là nơi tìm thấy hàng ngàn cổ vật quý giá như xương hóa thạch, đồ gốm, tiền đồng ngày xưalà những di chỉ khảo cổ học quan trọng, phản ánh đời sống và văn hóa của người Việt Cổ cách đây hàng vạn năm mà các nhà khảo cổ học đánh giá rất cao.

Động Kính chủnằm ở dãy núi đá vôi Dương Nham (phường Phạm Thái) sừng sững những ngọn đá hình mũi mác.Không gian động phơi bày những thạch nhũ được thiên tạo sắp đặt kỳ thú có cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, không chỉ là “ Đệ lục động” của trời Nam mà đây còn là nơi thờ vua Lý Thần Tông, nơi lưu dấu tích nhiều vua chúa, danh nhân, trí thức, sư sãi, du sĩ...đặc biệt với trên 50 tấm bia ma nhai được nhà nước công nhận là “Bảo vật quốc gia”. Hàng năm thu hút nhiều khách thập phương đến dâng hương và chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ, đượcghi chép trong sử sách, đặc biệt là cuốn sách “Kinh Môn xưa và nay”. Những danh thắng này chính là nguồn tài nguyên vô giá, tiềm năng để Kinh Môn phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh.

Đời sống tinh thần của người dân nơi đây vô cùng phong phú và đa dạng. Với chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân Kinh Môn đã sáng tạo ra bao nét văn hóa cho riêng mình, trong đó có điểm chung của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ nhưng lại có nét đặc thù của mảnh đất và con người nơi đây, thông qua các loại hình: Hương ước, phong tục, tập quán, ca dao, tục ngữ, truyện cổ, những làn điệu dân ca, những nếp sinh hoạt thường ngày… góp phần gắn kết tinh thần cộng đồng, tình làng nghĩa xóm và tinh thần yêu đời, hăng say lao động. 

3. Truyền thống chống giặc ngoại xâm

Kinh Môn là vùng đất nổi tiếng với truyền thống yêu nước nồng nàn, nơi có bề dày lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Tinh thần đó càng được thể hiện khi quê hương, đất nước bị giặc xâm lăng. Từ những năm trước Công nguyên, nhân dân Kinh Môn đã cùng với nhân dân cả nước nổi dậy đánh giặc Ân.

Đến những năm 40, dưới sự lãnh đạo của những vị tướng Thánh Thiện, chị em Thiện Nhân, Thiện Khánh[1], mẹ con Nguyễn Nguyên Chân và Tống Phố Công…, nhân dân Kinh Môn đã đứng dậy tự giải phóng khỏi ách cai trị của giặc Đông Hán trước khi đem quân về với Hai Bà Trưng, xứng danh với lời ca ngợi: "Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp đỡ vua Trưng, mặt nước sông Thương, gươm báu trắng lồng còn lấp lánh".

Thế kỷ XIII, trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược lần thứ III, quân và dân Kinh Môn đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng Bạch Đằng lịch sử (năm 1288), mảnh đất Kinh Môn là nơi đóng quân và đánh địch của Vua Trần Nhân Tông và Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Qua cuộc chiến đã xuất hiện nhiều người con dũng cảm của quê hương xứng danh với công tích "Giúp Trần lưu nghiệp sử xanh, Sông Đằng diệt Thát uy danh lẫy lừng". Tiêu biểu như: Trần Khắc Chung, Đỗ Thiên Thư, Nguyễn Xuân (tức Kiều), Trần Thị Bá Hưng, Lý Văn Minh...

Thế kỷ thứ XV, nhân dân Kinh Môn đã tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi, viết nên thiên anh hùng ca "Bình Ngô Đại Cáo". Trên đất Kinh Môn còn ghi dấu trận địa Thạch Bàn tại núi Thiên Kỳ (Cậy Sơn) của Nguyễn Đình Húc; Trần Hiệp Thanh Sơn của 7 anh em họ Phạm với những đạo quân "Huyền kỳ song hành, thủy bộ tinh tiến" và những tướng lĩnh được ghi nhận vào bậc công thần như: Hoàng Văn An, Trần Trí Dũng, Đào Quốc Khánh.

Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn bạc nhược, đầu hàng. Nhưng với truyền thống yêu nước nồng nàn, nhân dân ta đã nổi dậy chống Pháp và chống lại bọn vua quan bán nước. Năm 1873, thực dân Pháp đem quân tấn công Hải Dương lần thứ nhất, đến năm 1883, chúng đem quân tấn công đánh chiếm Hải Dương lần thứ hai và đặt ách cai trị trên toàn tỉnh. Ngay khi quân Pháp đặt chân tới địa phương, nhân dân Kinh Môn đã tổ chức đánh địch bằng nhiều đội quân tự lập.

Từ đầu thế kỷ XX, dưới ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Kinh Môn đã không tiếc thân mình và của cải, đồng lòng đoàn kết đánh đuổi kẻ thù, giành độc lập cho quê hương và dân tộc, từng bước xây dựng đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Truyền thống đấu tranh, chống giặc ngoại xâm của người dân Kinh Môn được minh chứng bởinhiều di tích lịch sử: Khu núi sông Dương Nham là nơi từng duyệt quân 5 lộ để phòng quân giặc. Bãi Cọc trên sông Đá Vách ở Hoành Sơn, bãi Dầm Huyền ở Ninh Xá, nơi cất giấu thuyền sẵn sàng cho việc nghênh chiến trên sông Kinh Thầy; vùng đất Ngư Uyên với Đống Ngô, Đống Thảm nơi diễn ra trận đánh ở Cầu Thử, Ra Ma trong cuộc kháng chiến chống quân Minh; Núi An Phụ căn cứ khởi nghĩa của nghĩa quân Ngô Bệ. Khu Hang động ở Minh Tân, nơi Đốc Tít từng hoạt động chống Pháp. Cả khu núi sông đầy hiểm trở của Nhị Chiểu là đất hoạt động của Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Những trận đánh Pháp ở Thung Xanh, Áng Rong, An Sinh …. Kinh Môn còn là nơi chứa xăng dầu, vũ khí, làm xưởng sản xuất, nơi lập các bệnh viện trong hang núi của quân đội thời chống Mỹ….

IV. QUÁ TRÌNH THAM GIA XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC CỦA NHÂN DÂN KINH MÔN

1. Trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc

 Kinh Môn là nơi sớm đón nhận ánh sáng cách mạng của Đảng. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 23/10/1945, Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Kinh Môn được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ và nhân dân Kinh Môn đã được tôi luyện và trưởng thành qua các cao trào cách mạng. Khi thời cơ đến, cùng với cả nước, nhân dân Kinh Môn đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền góp phần đưa tỉnh Hải Dương trở thành một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất cả nước trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đảng bộ và nhân dân Kinh Môn đã lập nên những chiến công oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tổng kết 2 cuộc kháng chiến và chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, Kinh Môn đã có 3.263 liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách thương binh 965 người (trong đó: thương bệnh binh nặng: 33 người, bệnh binh là 663 người), 361 bà mẹ được Nhà nước phong tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng, quân và dân Kinh Môn và 6 xã/phường: Duy Tân, An Sinh, Hiệp Hòa, Hiệp An, Tân Dân, Thất Hùng được Đảng và Nhà nước phong tặng “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 5 cá nhân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều huân chương cao quý khác...

2. Trong thời kỳ cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới

 Đảng bộ và nhân dân Kinh Môn đã chủ động, sáng tạo vận dụng quan điểm, chủ trương của Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ chỗ nông nghiệp là chủ yếu, sản xuất đơn thuần về lúa và rau màu, Kinh Môn chuyển mạnh sang phát triển dịch vụ, thương mại, công nghiệp. Mọi mặt kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục đều phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Những công trình thuộc kết cấu hạ tầng trên địa bàn được xây dựng khá đồng bộ và hiện đại, cùng với các chương trình kinh tế - xã hội được quan tâm và 3 thị trấn (Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân) được Bộ xây dựng công nhận đô thị loại 4 chính là tiền đề quan trọng để nâng cấp huyện Kinh Môn thành thị xã vào năm 2019.

V. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

1. Giai đoạn 2010- 2015

Trước sự phát triển mạnh mẽ của Kinh Môn và yêu cầu đô thị hóa ngày càng cao, ngày 22/3/2012 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương có Nghị quyết số 08-NQ/TU về việc nâng cấp huyện Kinh Môn thành thị xã Kinh Môn trước năm 2015;Đảng bộ và nhân dân thị xã Kinh Môn đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với nhịp độ tăng trưởng khá; thu ngân sách đạt kết quả tốt; hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Nhiều công trình, dự án được đầu tư bằng các nguồn vốn của nhà nước và huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, nhân dân. Hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, công viên, vườn hoa, cây xanh trong các đô thị được quan tâm đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp. Các công trình công cộng, các điểm vui chơi từng bước được triển khai; các khu đô thị mới được xây dựng, đưa vào sử dụng.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá và là ngành kinh tế chủ lực;giá trị sản xuất toàn ngành tăng trưởng44,4%/năm. Toàn thị xã 4 cụm công nghiệp, thu hút trên 1 nghìn đơn vị doanh nghiệp và hộ cá thể đầu tư phát triển sản xuất, trong đó có ... cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.

Dịch vụ phát triển mạnh, kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ được đầu tư, các khu đô thị được hình thành đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, nhiều ngành có mức tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng bình quân đạt 15,1%/năm; các chợ truyền thống, chợ nông thôn được đầu tư nâng cấp và hoạt động có hiệu quả.

Nông nghiệp phát triển ổn định, hiệu quả sản xuất được nâng lên; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,19 %/năm. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 62 triệu đồng/ha (mục tiêu là 43 triệu đồng/ha). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Đã hình thành một số vùng chuyên canh chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở vùng đồi và diện tích cấy lúa bấp bênh. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới được triển khai tích cực; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Đến hết năm 2014 có 02 xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới là: xã Thượng Quận, xã Bạch Đằng .

Tài chính, ngân hàng hoạt động lành mạnh. Dịch vụ tài chính, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn phát triển mạnh với sự tham gia của 03 ngân hàng lớn và hàng chục tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu về vốn cho các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong phát triển sản xuất kinh doanh.

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao. An ninh - quốc phòng được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển. Đảng bộ thị xã liên tục nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh, được Tỉnh ủy tặng Bằng khen; thị xã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Với kết quả đó, Kinh Môn được Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 747/QĐ-BXD ngày công nhận là đô thị loại IV.

2. Giai đoạn 2015 - 2020:

Đảng bộ và nhân dân Kinh Môn tập trung cao độ cho việc triển khai Nghị quyết đại hội lần thứ XXIV; trong đó tập trung vào quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị hoàn thành các tiêu chí để thành lập thị xã trước năm 2020. Qua đánh giá kiểm điểm giữa nhiệm kỳ cho thấy hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đại hội đã được hoàn thành, nhiều mục tiêu về trước kế hoạch nửa nhiệm kỳ với chất lượng, quy mô, hiệu quả cao.

Kinh tế phát triển khá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 12,3%/năm (mục tiêu tăng 9,5%/năm). Tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu năm 2020 dự kiến đạt 52.751 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), gấp 3,76 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ trọng giá trị sản xuất trong các ngành: Nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ là: 4% - 87,3% - 8,7%; chuyển dịch cơ cấu lao động tương ứng năm 2020 là: 26,8% - 44,5% - 28,7% (mục tiêu: 29% - 40% - 31%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm (mục tiêu > 55 triệu), tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015 (40 triệu đồng/năm). Tổng thu ngân sách hằng năm đều tăng, năm 2019 so với năm 2015 tăng 161% (trong đó thu theo kế hoạch tăng 233,5%).

Về xây dựng nông thôn mới: Sau 4 năm (2016-2019) triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM) toàn thị xã là 1.424 tỷ 263 triệu đồng. Đến tháng 7 năm 2017 toàn thị xã đã có 100% số xã (22/22 xã) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Ngày 08/11/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận thị xã Kinh Môn đạt chuẩn NTM và là thị xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi đạt tiêu chí nông thôn mới, các xã tiếp tục đăng ký phấn đấu hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã Bạch Đằng và xã Thượng Quận phấn đấu hoàn thành trong năm 2019; xã Bạch Đằng đạt NTM kiểu mẫu năm 2020.

          Huy động và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển: Tổng thu ngân sách hằng năm đều tăng, năm 2019 so sánh với 2015 tăng 61% (trong đó: Thu theo kế hoạch tăng 133,5%). Tổng chi NSNN trên địa bàn tăng qua các năm, năm 2019 tăng 54,7% so năm 2015 (tương đương 489,1 tỷ đồng). Chi đầu tư XDCB có xu hướng tăng qua các năm: Năm 2015 chiếm 21,4% tổng chi ngân sách nhà nước, đến năm 2019 là 419,8 tỷ đồng chiếm 30,4%; tập chung cho đầu tư để đạt thị xã nông thôn mới năm 2017 và đạt tiêu chí thị xã năm 2019.

Tổng số vốn đầu tư phát triển trong 5 năm (giai đoạn 2015-2020) hơn 19.000 tỷ đồng. Các dự án đầu tư lớn gồm: Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, Xây dựng Cầu Mây - đường tỉnh 389, Cầu Triều đi Quảng Ninh, Nâng cấp đường tỉnh 389B, Bến xe khách Kinh Môn, Dự án bến thủy nội địa và cơ sở chế biến kinh doanh than, Dự án Nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc Namlee, Dự án nhà máy sản xuất than cốc và phát điện dư, Nhà máy sản xuất tấm PVC hỗn hợp. Ngoài ra còn thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất như: Khu đô thị sinh thái Thành Công giai đoạn 1; Khu dân cư mới xã An Phụ; Khu dân cư mới xã Phúc Thành; Điểm dân cư phía Đông xã An Phụ; Khu dân cư Dịch vụ thương mại Bắc Phú Thứ; Khu dân cư mới xã Lạc Long.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kinh Môn khóa XXIV tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình các bước thực hiện xây dựng thị xã Kinh Môn. Trên cơ sở quy hoạch chung đô thị Kinh Môn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; chương trình phát triển đô thị Kinh Môn giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Huyện ủy đã triển khai điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Kinh Môn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị Kinh Môn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; lập quy hoạch phân khu đô thị xây dựng 12 phường và điều chỉnh quy hoạch 05 phân khu đô thị. Số phường thuộc thị xã Kinh Môn đạt 14/23 xã, phường đạt 61% số đơn vị hành chính; trong đó thực hiện sát nhập 04 đơn vị hành chính gồm các xã Quang Trung, Phú Thành, Thái Sơn, Phạm Mệnh.

Công tác giáo dục đào tạotiếp tục được quan tâm, nền nếp, kỷ cương, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững. Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt, đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn thị xã[2].Công tác truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh, tỷ suất sinh và tỷ lệ phát triển dân số được duy trì ổn định. Hoạt động Văn hoá - Thông tin và Thể dục, thể thao, phát thanhđược đẩy mạnh. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, KDC văn hóa tiếp tục được duy trì và phát triển. Công tác an sinh xã hội được triển khai hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo của thị xã giảm còn 1,59%. Gia đình chính sách, người có công đều được quan tâm chăm lo; có mức sống bằng và cao hơn mức bình quân toàn thị xã.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm thực hiện, thủ tục hành chính từng bước được đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho các tổ chức và công dân. Đã xây dựng Trung tâm hành chính, phòng ”một cửa”, ứng dụng công nghệ thông tin; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và Ủy ban nhân dân các xã, phường rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; đã làm tốt công tác nắm tình hình, xử lý giải quyết kịp thời các điểm mâu thuẫn phức tạp trong nội bộ nhân dân, không để vụ việc nào phát sinh thành điểm nóng về an ninh trật tự, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Tội phạm hình sự và tai tệ nạn xã hội được kiềm chế. Các nhiệm vụ quân sự địa phương được thực hiện tốt; hàng năm đều hoàn thành 100% chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ.

Phong trào thi đua xây dựng TCCS đảng trong sạch, vững mạnh (TSVM) tiếp tục được duy trì; sinh hoạt chi bộ, đảng bộ và cấp uỷ có đổi mới và nâng cao chất lượng. Hàng năm có trên 90% TCCS đảng đạt TSVM (không có tổ chức đảng yếu kém hoặc bị thi hành kỷ luật), trên 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thực hiện Nghị quyết TW 6 (K.XII) Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Đề án số 01- ĐA/TU ngày 29/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016 - 2020"; Kinh Môn đã làm sớm và làm tốt việc thực hiện Nghị quyết TW6 khóa XII và Đề án 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

3. Giai đoạn 2020- 2025

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Kinh Môn lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025.Trong mục tiêu phát triển Kinh Môn cùng với sự phát triển chung của tỉnh Hải Dương, đến năm 2025 là đô thị loại 3, và trở thành thành phố trước năm 2030, đến năm 2030 Kinh Môn là 1 trong 3 đô thị thông minh của tỉnh Hải Dương; đến năm 2045, xây dựng Kinh Môn thành đô thị “xanh – thông minh – hiện đại”.

Tỉnh Hải Dương xác định thị xã Kinh Môn là cực tăng trưởng và phát triển kinh tế năng động vùng Đông Bắc của tỉnh Hải Dương. Phát triển thị xã Kinh Môn trên 3 trụ cột: “Ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, hướng tới nông nghiệp chất lượng cao; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa gắn với du lịch, thương mại dịch vụ”.Định hướng quy hoạch không gian đô thị ven sông, quy hoạch không gian đồi núi, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các khu vực di tích. Trong tương lai gần, Kinh Môn chuyển từ mô hình phát triển đô thị Một trung tâm sang mô hình Đa trung tâm mở; đô thị động lực của tỉnh Hải Dương và khu vực.

Với vị trí địa lý đắc địa, tiếp giáp các trung tâm kinh tế lớn – sôi động nhất của vùng Đồng Bằng Sông Hồng là Hải Phòng và Quảng Ninh. Kinh Môn có rất nhiều lợi thế khác biệt để phát triển. Đặc biệt sau 26 năm tái lập, Kinh Môn đã phát triển nhanh và bền vững, đóng góp to lớn, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương.

Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân đạt 11,8%/năm. Tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt 60.592 tỷ đồng, tăng 11,7%; 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Cơ cấu lao động nông, lâm, thuỷ sản – công nghiệp, xây dựng – dịch vụ tương ứng: 26,3% - 46,2% - 27,5%. Tỷ lệ đô thị hoá tăng cao.

Là vùng đất bán sơn địa, có núi thấp, đồng xanh cùng hệ thống sông lớn giúp Kinh Môn có thế mạnh đặc trưng về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp độc đáo. Đến nay, thị xã, 25 sản phẩm OCOP, trong đó 11 sản phẩm được vinh danh đạt sản phẩm “ Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam gồm: nếp cái hoa vàng Kinh Môn, hành Kinh Môn, tỏi Kinh Môn, sắn dây Kinh Môn,rượu ngô nếp+ gạo nếp cái hoa vàng An Sinh Vương, Tỏi mật, rượu sâm Sắn dây, cam ngọt Thất Hùng, Thanh long ruột đỏ, rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm, rượuĐông Trùng Hạ Thảo.

Kinh Môn là thủ phủ hành tỏi lớn nhất Miền Bắc với gần 3.900 héc ta vụ đông mỗi năm, giá trị kinh tế hơn 1 nghìn tỷ đồng; Sắn dây, gạo Nếp cái hoa vàng đều đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể cùng nhiều sản phẩm nổi tiếng như: cam ngọt, thanh long ruột đỏ, rươi, trứng đà điểu… Giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản 286,6 triệu đồng, cao hơn nhiều so với bình quân chung của tỉnh.

Đến với Kinh Môn còn có những món ẩm thực rất tuyệt vời từ những sản vật nổi tiếng: Xôi gạo nếp cái hoa vàng, bánh chưng nếp cái hoa vàng, bánh lòng, giò lụa, rươi, cà ra, ốc núi, những món ăn chế biến từ thịt dê núi đá, thị đà điểu.

Thị xã Kinh Môn là trọng điểm công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và khai khoáng, đóng góp 30% ngân sách của tỉnh hàng năm. Các dự án đầu tư đã trở thành thương hiệu mạnh của công nghiệp Hải Dương trên thị trường như: Công ty cổ phần thép Hoà Phát, Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương, Công ty xi măng Hoàng Thạch vv….Nhiều doanh nghiệp bứt phá trong lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực dù không phải mới nhưng chưa có nhiều người làm; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số theo phương châm “tăng trưởng xanh – chuyển đổi số” để phát triển bền vững. Thị xã hiện có trên 900 doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 30 nghìn lao động.

Hạ tầng đô thịcó bước phát triển ngoạn mục. 1 loạt các công trình giao thông kết nối vùngnhư:Cầu Mây, cầu Triều, cầu Dinh, cầu An Thái, cầu Đá Vách, cầu Hiệp Thượng) kết nối giữa thị xã Kinh Môn với các địa phương khác, đã đưa Kinh Môn trở thành trung tâm giao lưu, phát triển trong vùng trọng điểm, đón nhận các cơ hội đầu tư mới. Năm 2022, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Kinh Môn đến năm 2040 được UBND tỉnh thông qua, trải đường băng để Kinh Môn cất cánh, đón nhận thêm nhiều dự án đầu tư mới. Thị xã triển khai thực hiện công trình trọng điểm xây dựng đường dẫn và cầu nối Quốc lộ 5 tại nút giao lập thể xã Kim Xuyên huyện Kim Thành với đường tỉnh 389B.

Ngành dịch vụ - thương mại và du lịch phát triển sôi động. Lợi thế trên bến dưới thuyền, Kinh Môn xưa kia là thương cảng sầm uất, là cầu nối kinh tế giữa kinh đô Thăng Long với biển đông và các Quốc gia lân bang. Ngày nay, nơi đây vẫn là trọng điểm giao thương, kết nối phát triển của tỉnh Hải Dương và các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng sôi động.

Kinh Môn là vùng đất có truyền thống lâu đời, với những trầm tích lịch sử văn hoá hết sức đặc biệt; gắn liền với tên tuổi của các bậc danh nhân như An Sinh Vương Trần Liễu, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Phạm Sư Mạnh…. Thị xã Kinh Môn còn bảo tồn và lưu giữ 205 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó Quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là khu du lịch cấp tỉnh; hệ thống văn bia Ma Nhai động Kính Chủ là bảo vật Quốc gia; Lễ hội truyền thống Đền Cao An phụ là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Sự nghiệp văn hoá - y tế - giáo dục tiếp tục được quan tâm. Trung tâm y tế thị xã được công nhận là bệnh viện hạng 2, 23 xã/phường đều đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Hệ thống y tế từ thị xã đến xã/phường luôn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Quy mô trường lớp được mở rộng, thị xã hiện có 60/79 trường chuẩn quốc gia, đạt 75,9%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được quan tâm; Thị xã đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăncó được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Công tác xây dựng Đảnghệ thống chính trị được tăng cường. Công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều đổi mới, đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế theo định hướng “tăng trưởng xanh – chuyển đổi số”. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường.

Kinh Môn, mảnh đất hội tụ của những giá trị lịch sử thăng hoa, hoà quện với thời đại hội nhập và phát triển. Phát huy tiềm năng, lợi thế, sự khác biệt nổi trội, Kinh Môn sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 là đô thị loại 3, và trở thành thành phố trước năm 2030.

 

CÁC DANH HIỆU THI ĐUA, HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG TIÊU BIỂU

Liên tục từ năm 2001, 2003, 2016,2017, 2018, 2019, 2020, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Kinh Môn được Tỉnh ủy Hải Dương tặng Bằng khen và Cờ thi đua.

- Tính đến tháng 12/2019: Quân và dân Kinh Môn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng có thành tích cao :

+ 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất

+ 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất

+ 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì

+ 1 Huân chương Lao động hạng Nhất

+ 1 Huân chương Lao động hạng Nhì

+ 1 Huân chương Lao động hạng Ba

 

 

 



[1] Thiện Nhân, Thiện Khánh là hai chị em người thôn Tuyển Cử, huyện Bình Giang, sang ở thôn Huề Trì, tổng Cổ Tân, huyện Giáp Sơn (nay là thôn Huề Trì, xã An Phụ). Hai bà chiêu mộ binh sĩ, lập dân binh theo hịch truyền của Hai Bà Trưng giết giặc. Hai bà được Bà Trưng phong "Tả hữu nhập nội công chúa" và cho đóng quân ở Huề Trì. Khi Hai Bà Trưng lên ngôi đã phong tướng cho hai bà là "Hoàng hà nhập nội công chúa". Mùa xuân năm 42, Mã Viện sang đánh nước ta, thế giặc mạnh, hai bà đã thất thủ và mất tại Huề Trì. Ngày nay, Đình Huề Trì là nơi thờ phụng hai bà và di tích này được Bộ Văn hóa xếp hạng cấp Quốc gia năm 1974.

[2] Chí Linh hiện có 3 cơ sở chữa bệnh: Trung tâm Y tế Chí Linh (270 giường bệnh); Bệnh viên phong Chí Linh (135 giường bệnh); Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần (420 giường bệnh); ngoài ra còn 19 Trạm y tế xã, phường, một số Trạm y tế trong các cơ quan, trường học…

Bốn bài hát hay nhất về Hải Dương

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ LẠC LONG - THỊ XÃ KINH MÔN

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Văn Tin - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: UBND xã Lạc Long, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0979397168

Email: nguyenvantin@haiduong.gov.vn

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0